TRẢI NGHIỆM LEO NÚI PHÚ SĨ (P4-END)

THỬ THÁCH TRÊN ĐƯỜNG XUỐNG NÚI PHÚ SĨ

Sau khi check in được những tấm ảnh ưng  ý, suy nghĩ trong tôi lúc bấy giờ chỉ là niềm vui chiến thắng, chiến tháng ngọn núi, chiến thắng bản thân mà quên luôn mất việc mình còn phải xuống núi. Vì trước đó, khi tham khảo các thông tin trên mạng họ nói rằng xuống nui có một lối riêng, giúp di chuyển nhanh và khỏe hơn nên tôi cứ đinh ninh rằng “ôi đến đây là ổn rồi, không con gì thử thách mình nữa”.

Thành viên nữ bị ốm cũng dần ổn định lại, chúng tôi quyết định tìm gì đó lót dạ, ngồi nghỉ cho khỏe rồi sẽ xuống núi. Trên đây cũng chỉ có 1 hàng quán, chỉ có mì ly, mì udon (giống sợi bún nhưng to hơn nhiều) và vài thứ linh tinh, nghe nói udon trên đây rất ngon, không biết nó có vị riêng gì hay do người ta lên đây mệt lả rồi nên ăn gì cũng thấy ngon. Cầm bát mì nóng hổi trên tay trong rất hấp dẫn, bình thường như này thì tôi húp xì sụp,rột rẹt nhanh lắm nhưng vì vẫn còn đang mệt do không khí loãng và đầu vẫn không ngớt đau nhức nên tôi ăn rất chậm, tựa như đang slow motion, nhờ vậy mà thưởng thức được từng sợi mì, từng thớ thịt, từng ngụm nước ngọt liệm của món mì trứ danh Phú Sĩ (thật ra là vì đói quá nên ăn ngon thôi các bạn ạ, chứ tôi đang ăn mì ly, loại mì công nghiệp bán tràn lan ở các cửa hàng tiện lợi). Lúc này lại nghe bên ngoài những âm thanh “xịt..xoạt…”của người ta thở bình oxy, nó lại khiến tôi thèm thuồng, có lẻ hiện tại tôi thèm oxy hơn thèm được ăn mọi người ạ. Mọi hoạt động của tôi kể cả ngồi, đi đứng cũng đều chậm chạp vì khó thở.

Đến đỉnh lúc 4h30 và tầm 6h30 chúng tôi bắt đầu hành trình xuống núi. Lúc này mặt trời đã lên khá cao nên ánh nắng khá gay gắt. Con đường zig zag gấp khúc nối liền nhau xuống phía dưới núi, không thấy được chân núi mà chỉ thấy độ sâu thăm thẳm. Những đoạn đầu dốc khá nông tầm 60 độ, tạo cảm giác thoải mái như một cuộc dạo chơi chốn bồng lai nên chúng tôi còn quay được vài đoạn video nữa. Nhưng nhanh lắm, sau 1 nốt zig zag dạo đầu đường đã trở nên dốc hẳn, 50 rồi 40 độ dốc xuống với nhiều đá sỏi nhỏ bông lên lớp dày do di chuyển nhiều, khiến nó rất lúng và trơn trượt. Chỉ cần bạn bước xuống vài bước là quán tính do độ dốc khiến bạn phải trong trạng thái tăng tốc và lao về phía trước vì thế lúc nào bạn cũng phải dùng phanh hãm, trọng tâm dồn vào gối, gót chân và đùi sau, nếu không, với tốc độ nhanh và không hãm lại được bạn sẽ không kịp bẻ cua mà dễ dàng lao xuống vực thẳm ở cuối đoạn dốc.

Chính địa hình và cách di chuyển này khiến chúng tôi mất rất nhiều sức. Vừa đi, vừa hãm, vừa phải khéo léo để không bị trượt ngã về phía sau. Nhưng chuyện rồi cũng xảy ra, “roẹt,,,phạch” một bạn nữ trong nhóm tôi bị ngã, tôi đoán chắc là hơi “ê mông” tí thôi chắc không sau, bạn ấy và chúng tôi phá lên cười. Vừa cười xong thì ở phía sau, một thanh niên cao to đẹp trai phong độ cũng “roẹt,,,phạch” mông dập mạnh xuống nền đá sỏi, cả nhóm lại phá lên cười ngoặc nghẻo đặc biệt là các bạn nữ. Nhưng rồi chúng tôi kịp nhận ra “bọn mình hơi vô duyên” nên thôi không cười nữa.

Về riêng bản thân tôi thì có lẻ được thử thách lên gấp bội vì trạng thái khó thở do thiếu oxy và những cơn đầu như búa bổ do mất ngủ 2 hôm liền, tôi như di chuyển trong vô thức, có lúc 2 mắt nhắm nghiền, khó khăn vượt qua từng con dốc xuống, ở cuối mỗi đoạn dốc thoáng thấy có vài người phải nằm trường ra ngủ dưới ánh nắng chói chang để lấy lại sức, tôi như cũng làm thế vì quá đuối mệt nhưng nghĩ lại mình không có nhiều thời gian (1 thành viên trong nhóm phải quay về nhà trong hôm nay để kịp đi làm hôm sau) nên tôi cứ cố gượng từng chút một.

Nắng nóng và thân nhiệt tăng do di chuyển nên chúng tôi bèn cưởi bỏ áo khoác ra, nhưng đi được đoạn ngắn xuống dưới thì những đám mây kéo đến khiến chúng tôi lại lạnh rung người phải mặc lại áo. Lần đầu tiên tôi được đi xuyên những đám mây! (à, không phải lần đầu đâu, chúng tôi kịp nhận ra là đêm hôm trước đó khi chúng tôi đang ngồi ngủ mà tự dưng cảm thấy lạnh đột ngột mà không hiểu lý do, thì ra đây là nguyên nhân, chính những đám sương mây này lướt qua chúng tôi nhưng vì đêm tôi nên chúng tôi không nhìn thấy nó), ước ao một lần như thế đã thành hiện thực, cứ ngỡ là thích lắm nhưng nó không dễ chịu chút nào, mây chỉ để ngắm thôi mọi người ạ, chứ xông vào thì nó y như di chuyển trong sương mù thôi, vừa lạnh vừa bị che khuất tầm nhìn. Thôi sợ.

Đường xuống dốc như thế đó, lúc thì nóng, lúc thì lạnh thay đổi liên tục. Vượt qua được tầng 9, chúng tôi lại cảm thấy đói và lục lội trong hành lý ra xem còn thứ gì dùng được không để tiếp năng lượng, chỉ riêng tôi lúc này cảm giác rất khó chịu và buồn nôn, tôi sợ ăn vào sẽ nôn ra mất nên chỉ uống tí nước cầm hơi. Ngọc Huyền và Tuệ Ái đã dần hồi lại sức nên băng xuống rất nhanh và mất hút. Còn tôi vẫn tiến rất chậm chạp, thấy tôi trong bộ dạng mệt nhọc, Hoàng Cường và Bảo Linh quyết định đi chậm lại để hỗ trợ tôi. Trong lúc tôi gắng từng bước như vậy, thì từ đằng sau có người chạy băng vèo qua mặt tôi, tôi ngớ người ra, “wao” sao họ có thể chạy được hay vậy nhỉ, ngó bộ dạng họ trong như một vận động viên điền kinh chuyên nghiệp vậy. Tôi bắt đầu để ý cách họ di chuyển. Gối trùng, trọng tâm dồn vào gối, đùi trước trông như tư thế squat nông vậy, rất uyển chuyển. Tôi bắt đầu học theo và quả thật di chuyển nhanh hơn hẳn.

Nhưng tôi cũng đuối dần và sắp không trụ được nữa, cứ xuống 1 dốc tôi lại nhìn xuống dưới vực và cảm thấy nãn vì đi mãi vực vẫn còn sâu, không thấy chân núi đâu. Lê lết mãi chỉ đến được tầng 7, lúc này đã là 10h rồi. Hai bạn nữ kia đã xuống được gần khu vực chân núi rồi nên nhắn tin báo cho nhóm hay và thông báo rằng điện thoại của 2 bạn ấy cũng sẽ hết pin ngay sau khi nhắn.

Thấy tôi nhợt nhạt, xanh xao. Bảo Linh hiến kế “ hay là anh Đại nằm nghỉ chợp mắt một lát cho hồi sức đi rồi hãy đi tiếp, trong thời gian này em với Hoàng Cường vừa ngồi đợi và cũng nghỉ chân, chứ như này thì anh không thể đi tiếp được đâu”. Tôi liền đồng ý, tôi nói cho anh nằm 20p, vì thực sự nó đã đến giới hạn rồi. Thế là, buồn ngủ gặp chiếu manh, kế bên nhà vệ sinh dù không khí không được trong lành cho lắm nhưng có một bật thềm, tôi nằm co ra trên đó chợp mắt. Sau 20p tôi tỉnh dậy, đầu vẫn đau như búa bổ và hơi choáng, vẫn cảm giác đấy, không thấy khá hơn. Bảo Linh đề nghị ”hay là anh cố ăn một tí gì đi”. Tìm trong hành lý cũng may còn 1 thanh lương khô, dù có cảm giác buồn nôn không muốn ăn nhưng tôi cũng cố thưởng thức nó, từng miếng nhỏ, từng ngụm nước, dần cảm nhận nguồn năng lượng đi vào cơ thể, dần cảm thấy sao nó ngon lạ lùng.!

Sau đó 2 bạn còn xách balo giúp tôi, để tôi di chuyển trong trạng thái không tải, thật sự rất ám áp, tôi thầm cảm ơn những người đồng đội tốt của mình, nếu không có họ không biết tôi sẽ ra sao!. Sau 1 – 2 con dốc đầu, tôi dần dần cảm thấy tốt hơn, đầu đỡ đau nhức và cảm thấy mình như hồi sức lại, tôi băng băng vượt qua từng con dốc. Một chốt nhìn lại không thấy 2 người đồng đội của mình đâu, tôi biết mình đã đi quá nhanh và 2 bạn còn phải xách giúp balo tôi nên đi chậm lại.

Tôi  đứng đợi 2 bạn một lát sau, “anh khỏe lại rồi, mừng quá, cám ơn 2 em, đưa balo anh quải nhé”. Lúc này chân Bảo Linh bị đau nên di chuyển khá chậm, dù đã rất đau những cũng đã cố gắng hỗ trợ tôi! Anh cảm ơn Bảo Linh nhiều nhé! còn 2 bạn nữ của đội chắc giờ này đã xuống tới chân núi chỗ bến xe rồi. Sợ 2 bạn đợi lâu và lo lắng nên tôi nhờ Hoàng Cường đi sau và dìu dắt Bảo Linh, còn tôi sẽ đi nhanh xuốg trước và mang theo cục sạc cho 2 bạn. Tôi phi 1 mạch như bay và nhanh chóng đến được chân núi. Ơn giời, cảm giác nhẹ nhỏm, phấn chấn, và năng lượng trở lại trong tôi. Cảm ơn hành trình đầy thử thách, cảm ơn những người đồng đội tuyệt vời!.

Chúng tôi hội nhau trog vui sướng, kể nhau nghe những gì vừa xảy, rủ hết mọi lo lắng, mệt mỏi và cùng nhau đón xe buýt quay về.

About the author

Đỗ Đại

Xin chào, tôi là Đỗ Đại. Hiện tại tôi đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản. "Tôi yêu Kanji", đồng thời yêu thích việc chia sẻ, vì thế tôi mong muốn giúp tất cả những ai cảm thấy khó nhằn với kanji khi học tiếng Nhật sẻ trở nên yêu thích việc học hơn.

View all posts

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *