Kì thi JLPT được tổ chức vào tháng 7 và tháng 12 hằng năm. Như vậy các bạn có khảng 5 – 6 tháng để chuẩn bị cho mỗi đợt thi, thời gian đó là ngắn ngủi đối với những bạn không vững kiến thức, không biết mình đã đủ trình để đạt được mốc N tiếp theo hay chưa. Vì thế để có kế hoạch luyện thi JLPT hiệu quả việc đầu tiên các bạn cần làm là xác định năng lực tiếng Nhật hiện tại của mình.
1. Xác định năng lực tiếng Nhật hiện tại của bản thân
Đầu tiên, hãy xác định bạn đang yếu kỹ năng gì? Bạn còn bao nhiêu thời gian nữa để học và ôn tập? Sau đó xác định xem vì sao các kỹ năng đó của bạn lại chưa đạt? Xác định chính xác nguyên nhân cản lối con đường học tiếng Nhật của bạn thì mới có thể lên kế hoạch sửa chữa, bù đắp kiến thức cho khi thi JLPT.

Cách xác định năng lực tiếng Nhật đơn giản nhất là các bạn hãy làm thử đề thi JLPT các năm trước trong thời gian như đi thi thật. Nếu bạn đang muốn thi JLPT N3 thì hãy đem đề N3 ra làm. Làm thử khoảng 2 đề và chấm điểm từng phần – từ vựng kanji, ngữ pháp, đọc hiểu sau đó bạn sẽ biết được ngay là bạn đang kém phần nào.
Kể đến, sau khi đã biết mình yếu mảng gì, bạn hãy nhìn lại xem vì sao mình chưa làm tốt mảng đó? mình nhận thấy có 1 số nguyên nhân thường thấy ở đây
- Nguyên nhân đọc hiểu tiếng Nhật kém
Thứ nhất là do bạn chưa nắng vững ngữ pháp, kế đến là số lượng chữ Kanji của bạn còn quá ít. Bài văn đọc hiểu tiếng Nhật còn khó hiểu là do cách kết hợp cấu trúc ngữ pháp cùng số lượng từ vựng mới xuất hiện nhiều (mà từ vựng đa phần do kanji kết hợp nên).
Cách hành văn của người Nhật thực ra không quá khó để nắm bắt được. Bạn chỉ cần dành mỗi ngày 1 tiếng để đọc các đoạn văn tiếng Nhật trong 1 tuần liên tục là sẽ quen ngay với cách hành văn của họ. Còn để hiểu được nội dung viết gì, bạn cần có vốn từ vựng (từ vựng lại gắn liền với Kanji) tốt và chắc ngữ pháp.
- Nguyên nhân nghe hiểu tiếng Nhật kém
Nguyên nhân chính vẫn nằm ở vốn từ và cấu trúc câu các bạn đã tích lũy. Tuy nhiên, khác với đọc hiểu là bạn cần nhớ mặt chữ để nhìn ra nghĩa của từ, thì với nghe hiểu các bạn cần phải để não bộ mình ghi nhớ cách người Nhật phát âm từ đó thế nào.
Đây là lý do vì sao khi học từ vựng tiếng Nhật hoặc cấu trúc ngữ pháp bạn nên kết hợp nghe băng để lắng nghe ghi nhớ cách đọc, trọng âm của từ. Hơn nữa, nghe băng còn giúp bạn nhận thấy các âm, từ thường bị người Nhật nói nhanh và “nuốt” mất.
Ngoài ra, các nguyên nhân khác dẫn đến nghe hiểu chưa tốt là do bạn chưa rèn được khả năng tập trung khi nghe hay bạn có thói quen nghe “bắt từ khóa” chứ không luyện nghe liền mạch, hoặc là vừa nghe vừa liên tưởng đến nghĩa tiếng Việt trong đầu dẫn đến mất thời gian, xao nhãng và bỏ lỡ mất nội dung hội thoại.
Những vấn đề này đều có thể cải thiện qua thời gian luyện nghe hằng ngày, học từ vựng kết hợp với nghe, xem phim Nhật cũng như tăng cường thời gian nghe có chủ đích.
- Nguyên nhân ngữ pháp tiếng Nhật kém
Thực ra, khi học tiếng Nhật – nhất là khi luyện đọc, rất nhiều senpai khuyên rằng các bạn không cần quá chú trọng vào cấu trúc ngữ pháp làm gì. Bởi cũng như người Việt, người Nhật viết văn nhiều khi cũng không tuân theo quy tắc ngữ pháp thông thường. Tuy lời khuyên này không hẳn là sai, nhưng bạn đừng vì thế mà hấp tấp bỏ qua phần ngữ pháp.
Tất nhiên là các bạn không cần thiết phải ngồi học thuộc lòng cấu trúc ngữ pháp tiếng Nhật. Mà dù có học thuộc lòng, các bạn chắc chắn cũng chẳng thể nào nhớ được hết đảm bảo bạn sẽ bị loạn nếu cố.
Cách để ghi nhớ ngữ pháp tiếng Nhật nhanh nhất để thi JLPT là xem nó như một từ vựng mới, tự mình đặt câu cùng cấu trúc ngữ pháp đó song song với luyện đọc để gặp nó nhiều lần càng tốt. Hàng ngày hãy mở ví dụ chứa mẫu câu ra đọc lại.
Lưu ý là với các mẫu ngữ pháp gần giống nhau mà nghĩa khác nhau, hoặc tuy khác nhau nhưng đồng nghĩa, hoặc các mẫu ngữ pháp đối lập nhau, thì ngoài việc đặt mẫu ví dụ, các bạn nên có một bảng so sánh, tổng hợp lại cho dễ nhìn, làm vậy sẽ giúp các bạn nhớ lâu hơn.
- Nguyên nhân Kanji tiếng Nhật kém
Kanji luôn là vấn đề đối với hầu hết người học tiếng Nhật, Kanji yếu sẽ dẫn đến việc học từ vựng trở nên khó khăn hơn (khó nhớ lại mau quên), đọc hiểu trở nên khó nuốt trôi hơn.
Vì thế bạn cần tìm ra cách học Kanji hiệu quả cùng với việc kiên trì để cải thiện năng lực tiếng Nhật của mình cho kỳ thi JLPT nhé.
2. Phân chia các giai đoạn học tiếng Nhật
Về cơ bản, học tiếng Nhật – đặc biệt là với mục đích thi đỗ kì thi JLPT bao gồm 3 giai đoạn: giai đoạn học kiến thức mới, giai đoạn ôn tập, cuối cùng là giai đoạn luyện đề.
Tùy vào khả năng của mình mà bạn điều chỉnh thời gian cho từng giai đoạn. Có bạn học rất nhanh kiến thức, bạn ấy sẽ có nhiều thời gian để ôn tập và luyện đề thi, củng cố kỹ năng còn kém. Cũng có những bạn sẽ dành phần lớn thời gian học kiến thức mới, ghi nhớ thật chắc từ vựng và ngữ pháp. Sau đó mới chuyển qua luyện đọc hiểu cùng nghe hiểu.

Bạn có thể phân chia thời gian tùy ý cho hai giai đoạn đầu là học kiến thức và ôn tập. Thứ tự ưu tiên tham khảo cho các bạn là nên tập trung học Kanji trước, tiếp theo là học song song các kỹ năng còn lại để thời gian học các kỹ năng đó đủ dài thì năng lực của các bạn mới nhanh được nâng lên.
Tuy nhiên về phần luyện đề JLPT, bạn nên tập trung vào phần này trong thời điểm 1 tháng trước khi thi. Lúc này kì thi đã gần kề, việc học kiến thức mới để ghi nhớ là quá tải và không hiệu quả nữa. Hãy dành thời gian thi thử tại các trung tâm hoặc tự bấm giờ và làm đề thi tại nhà nhé.
3. Lập kế hoạch chi tiết Luyện thi JLPT
Lập kế hoạch chi tiết giúp bạn quản lý tốt thời gian, phân bổ lượng kiến thức hợp lý mỗi ngày, giúp bạn tạo thành thói quen để duy trì viêc học tiếng Nhật cũng như luyện thi JLPT.
Lập kế hoạch rõ ràng sau khi đã xác định được khuyết điểm trong trình độ tiếng Nhật của mình và tìm ra nguyên nhân sẽ giúp bạn theo dõi được sự tiến bộ của bản thân, đảm bảo được lộ trình học tiếng Nhật đúng hướng phù hợp với chính mình.
Hơn nữa, với khối lượng kiến thức đã học có thể nhìn thấy một cách rõ ràng trên bản kế hoạch, bạn sẽ cảm thấy được tiếp sức, có động lực để học tập hơn.
Khi lập kế hoạch học tiếng Nhật hay luyện thi JLPT, bạn hãy nhớ luôn ghi rõ mục tiêu mình mong muốn đạt được. Mục tiêu cần rõ ràng, có thể đo đếm được và có thời gian cụ thể như mục tiêu Smart chứ không nên ghi chung chung kiểu “tôi muốn trở nên giỏi tiếng Nhật hơn”?. Sự rõ ràng sẽ tạo nên sức mạnh cho bạn.

Xem xét lượng kiến thức cần có để đạt được mục đích, cùng với số thời gian 1 ngày bạn có thể dành ra để học. Từ đó, chúng ta mới bắt đầu tìm kiếm các công cụ trợ giúp mình đạt được mục tiếu học tập trong quỹ thời gian cho phép của bản thân.
Đỗ Đại