Xây dựng một thói quen là việc không hề đơn giản, đặc biệt là những thói quen tốt: thói quen đọc sách, thói quen tập thể dục, chạy bộ, thói quen ăn uống lành mạnh, thói quen học tập…
Vì việc xây dựng thói quen đòi hỏi mất nhiều thời gian, động lực và sự kiên trì, vì thế chúng ta thường khó duy trì được nó.
Nhưng các bạn đừng lo, việc khó gì cũng có giải pháp của nó, sau đây là “5 bước giúp bạn xây dựng thói quen học tập” đơn giản và hiệu quả. Hãy áp dụng ngay nhé.
1. XÁC ĐỊNH MỤC TIÊU HỌC TẬP
Học cách thiết lập mục tiêu Smart, giúp bạn đề ra mục tiêu học tập chi tiết rõ ràng, càng chi tiết sẽ càng tạo nên sức mạnh cho hành động của bạn. Giúp bạn duy trì được thói quen học tập của mình để đạt được mục tiêu đó.

Bên cạnh đó cần nhắc nhở bản thân bạn về lý do bạn bắt đầu mục tiêu, liên hệ với nỗi đau nếu như không đạt được nó thì chính bạn sẽ chịu những hậu quả, những ảnh hưởng gì đến tương lai để tạo ra động lực giúp bạn duy trì thói quen đó.
2. XÁC ĐỊNH KHUNG GIỜ HỌC
Không phải ai cũng có nhiều thời gian để học tập, đặc biệt là những người vừa làm vừa học, các bạn thực tập sinh, du học sinh, kỹ sữ…
Chính vì vậy mà chúng ta thường hay than vãn rằng tôi không có thời gian học!. Hoặc học được vài ba hôm lại có việc chen ngang thì lại bỏ giữa chừng. Nhưng dường như tất cả đó chỉ là lý do do chúng ta biện ra, vì thật chất sau những giờ làm việc, hiện nay chúng ta thường dành hầu hết thời gian cho mạng xã hội, hoặc những chuyện vặt vãnh đúng không nào!.

Vì thế việc ngồi lại, nghĩ về 1 khoảng thời gian trong ngày (có thể là 1 tiếng, 2 tiếng hoặc hơn) mà bạn thật sự có thể dành cho việc học mà không bị những hoạt động khác làm ảnh hưởng đến. Có thể là từ 21h – 22h, 21h30 – 23h30 chẳng hạn, nó sẽ giúp bạn xây dựng thói quen học tập cho mình nhé.
3. LOẠI BỎ NHỮNG THÓI QUEN XẤU ẢNH HƯỞNG ĐẾN VIỆC HỌC
Sau khi xác định được khung giờ học tập thì điều tiếp theo bạn cần làm là loại bỏ những thứ làm bạn mất tập trung trong khi học.
Tắt các thiết bị di động, chỉnh chế độ im lặng hoặc để xa tầm kiểm soát của bạn.

Nếu bạn mất quá nhiều thời gian để lướt web không mục đích, hãy cài tiện ích (extension) giúp nâng cao “hiệu suất” trong trình duyệt của bạn. Những tiện ích miễn phí này cho phép bạn chặn một số trang web và hoặc giới hạn thời gian cho việc lướt web giải trí.
Tự tạo điều kiện học tập cho mình bằng cách nhận các cuộc hẹn (họp mặt bạn bè, gọi điện cho gia đình, party,..) ngoài khung giờ học của các bạn nhé. Và nếu như trường hợp bất khả kháng, hoặc vì một lý do nào khác mà bạn muốn trì hoãn việc học hãy áp dụng ngay bước tiếp theo nha.
4. BẮT ĐẦU VỚI 5 PHÚT
Khi mới bắt đầu học, hoặc khi đã bắt đầu việc học trong một khoảng thời gian, sẽ luôn có những lý do khiến bạn trì hoãn việc học: đó có thể là tiệc cưới, buổi họp mặt bạn bè, Party, công việc, một dự án… hay bất kỳ một lý do gì khác. Nó khiến bạn trì hoãn 1 ngày, rồi 2 ngày, .. rồi bạn bắt đầu cảm thấy khó khăn khi quay lại việc học, và lại tiếp tục trì hoãn nó.
Bí quyết là hãy bắt đầu với 5 phút. Dù bận việc gì, lý do gì thì chắc chắn bạn cũng có thể dành ra tối thiểu 5 phút để ngồi vào bàn học đúng không!?.

Bạn sẽ hỏi vậy việc học chỉ 5 phút nó có ý nghĩa gì? học được gì chỉ với 5 phút?
Hãy nhớ rằng bạn đang muốn xây dựng thói quen, vì thế điều quan trọng là phải duy trì được nó mỗi ngày, dù chỉ cần duy trì học 5 phút mỗi ngày nhưng cũng có thể dạy cho não của chúng ta hình thành phản xạ có điều kiện rằng đến giờ đó chúng ta cần phải học.
Thời gian 5 phút chỉ là “thuốc mồi”. Có những ngày bạn chỉ học có 5 phút thật, nhưng sẽ có nhiều ngày bạn say mê với việc học và quên bẳng đi thời gian luôn đấy!. Hãy áp dụng ngay cách này bạn nhé.
5. ÔN TẬP LẠI KIẾN THỨC
Nếu bạn không lập kế hoạch để nhớ, thì một kế hoạch để quên đã có sẵn ở đó cho bạn. Thường là sau 1 giờ, 1 ngày, 1 tuần, 1 tháng, 1 quý… mà bạn không ôn lại kiến thức đã học, thì chắc chắn các kiến thức ấy sẽ rơi rụng lả tả, ôn lại sẽ rất khó khăn. Điều này giải thích tại sao nhiều người học bài rất vất vả dẫn đến chán nãn và bỏ cuộc. Đó là do thói quen, “Bài hôm nay, cứ để… tuần sau” chúng ta được “rèn luyện” từ nhỏ.

Vì thế để xây dựng được thói quen học tập, bạn cần đều đặn ôn lại kiến thức đã học để cảm nhận việc học của mình có hiệu quả, từ đó duy trì được động lực và thói quen học tập của mình các bạn nhé.
Đỗ Đại